Gặp gỡ văn chương ở JEONJU


Từ ngày 7 đến 14 tháng 11 năm 2007, nhà văn Lê Minh Khuê và tôi có mặt tại thành phố Jeonju (Hàn Quốc) tham dự Liên hoan Nhà văn Á Phi lần I cùng với gần một trăm nhà văn Hàn Quốc và hơn một trăm nhà văn của hai châu lục. Từ trong căn hộ nhỏ bé khép kín ở Sài Gòn bỗng dưng thấy mình đứng giữa những không gian hoành tráng bên cạnh hàng trăm con người không cùng ngôn ngữ, văn hóa, thói quen sinh hoạt, và có thể nói mỗi người là một thế giới chất chứa bí ẩn –  đó thực sự là một trải nghiệm lạ lùng.

Jeonju là một thành phố giàu truyền thống văn hoá và lịch sử với những khu phố cổ nhà lợp ngói xanh âm dương, đồng thời cũng là thành phố mang dáng dấp châu Âu với những con đường rộng 12 làn xe, những toà kiến trúc đồ sộ hoành tráng chợt trở nên thấp thoáng giữa bốn chung quanh cây xanh thảm cỏ, những phố shopping tráng lệ, nườm nượp xe hơi. Nhìn ngắm thành phố qua cửa kính xe bus, cảm giác chi phối là êm đềm, dễ chịu. Còn khi bước khỏi xe buýt, được khí lạnh bao bọc ve vuốt, bất giác cái nhìn như bị cuốn hút vào những tàng cây phong đỏ, vàng, tím đó đây, tưởng chừng đang được tắm trong nguồn cội thiên nhiên lạc mất từ lâu mới tìm thấy lại.

****

Nhà thơ Hàn Quốc Koun, người được đề cử giải thưởng Nobel văn chương vài năm gần đây, khai mạc liên hoan bằng bài diễn văn gây chú ý ngay lập tức: “Tôi phản đối tên gọi thế giới thứ ba”. Koun từng đi tu thiền trước khi làm thơ. Và ông đã sớm từ giã những công án thiền và cùng với nó là nhân sinh quan thù ghét bản thân để chuyển sang phê phán những mặt tiêu cực của xã hội thời ông sống. Koun nói trong xúc động: “Ai là châu Phi? Ai là châu Á? … Sự phổ quát là cái chết của văn chương.”

Đột nhiên mọi người cảm thấy như đang ở trên cái tháp Babel trong Cựu Uớc, chung quanh vang lên đủ thứ ngôn ngữ với những âm sắc khác nhau. Nhưng nếu như tháp Babel là sự trừng phạt của Thiên Chúa dành cho loài người kiêu ngạo, thì trong những hội truờng ấm cúng ngăn cách mùa thu rét ngọt ngoài kia, mọi sự hiểu lầm và bối rối do đa ngôn ngữ gây ra đã được giải quyết bằng phương cách hiện đại: thông dịch tất cả ngôn ngữ sang bốn thứ tiếng chính thức là Hàn, Anh, Pháp, Trung. Tôi gắn vào tai một chiếc headphone, bật nút English. Một cô gái đọc tiếng Anh giọng Mỹ rất chuẩn đang dịch đuổi theo bài phát biểu ứng khẩu của nhà phê bình hàng đầu Hàn Quốc kiêm chủ tịch liên hoan, ông Paik Nak-Chung, với nhan đề  “Hãy mở cuốn sổ tay giấu kín”.

Đây rồi, nhà thơ Palestine nổi tiếng Mahmoud Darwish, người cùng với nhà thơ Syri Adonis, thỉnh thoảng vẫn được báo Time và Newsweek đem ra làm biểu tượng cho tất cả các nhà văn lưu vong trên thế giới, đang đọc một câu thơ nghe cháy lòng: “Tôi là người mà tâm hồn luôn bị tổ quốc chiếm giữ trên mỗi bước lang thang của tôi”. Kìa, à không, tôi không quen nhà văn Nam Phi Lewis Nkosi này, chỉ là vì nhìn thấy chiếc mũ dạ màu da bò trên đầu ông mà tôi, cũng như tất cả mọi người, bất giác nhìn ông đăm đăm, như thầm xác nhận đây là nhà văn đầu tiên trong liên hoan đã tỏ cho mọi người thấy dấu hiệu riêng của mình. (Quả thật, từ đó về sau, chiếc mũ signature ấy luôn có một chỗ trịnh trọng mà tự nhiên trên mái đầu bạc trắng của ông. Và như một trò thư giãn, chị Lê Minh Khuê và tôi dễ dàng phát hiện lần lượt “phong cách” của các nhà văn khác: ông nhà văn người Sierra Leone luôn ngậm tẩu và không chơi với ai; ông kịch tác gia người Benin lúc nào cũng đủng đỉnh khoanh tay trước… cái bụng bự của mình; nhà văn Iraq Ali Bader đẹp trai và nghệ sĩ nhất, cứ sà hết vào đám phụ nữ này đến đám phụ nữ khác; nhà thơ – nhà tiểu thuyết Ấn Độ Makarand Paranjape là con mọt sách ngay trong bữa ăn khiến người ta tự hỏi không biết ông đang ăn bánh mì hay đang ăn những con chữ?) Ông Lewis Nkosi đang đọc chậm rãi một đoạn trong cuốn tiểu thuyết của ông để minh chứng cho luận đề “Sự bất khả chuyển ngữ của văn hóa”. Đó là đoạn đối thoại giữa một người da đen bị kết án và quan tòa người da trắng mang hơi thở nặng nề mà tôi từng cảm thấy khi đọc các tiểu thuyết của nhà văn Nam Phi đoạt giải Nobel J.M. Coetzee. Quả thật Nam Phi là quốc gia có nền văn học lớn của thế giới. Chả thế mà họ có số đại biểu tham dự liên hoan đông nhất với gần mười người. Trong giờ giải lao, gặp nhau ở hành lang, tôi nêu nhận xét này với nhà văn nữ Nam Phi da trắng xinh xắn Jacqui Thompson, người từng sáu lần đến thăm Việt Nam. Chị trả lời thật tự nhiên: “Như thế vẫn chưa đủ.” Khi tôi nhắc đến Coetzee với lòng trân trọng, chị nhún vai, và với chút gì đó mỉa mai (hoặc không hài lòng?) chị cho rằng ông ta sống ở Úc  nhiều hơn.

Làm rơi lệ nhiều người là tham luận của nhà văn nữ Rwanda Yolande Mukagasana, dù chính chị dường như không cố giấu hết nước mắt vào trong. Nếu khóc lóc mãi, chị đã không thành nhà văn. Chị phải tỉnh táo để đặt ra cho ngòi bút của chị, và cho mọi người ngồi nghe, một luận đề (hay một nan đề – dilemma?):  “Viết với tư cách một nhà văn trong một đất nước đầy xung đột, và như một nạn nhân của thảm họa diệt chủng.” Vâng, chị là kẻ sống sót. Chồng chị, anh chị em ruột, và ba con của chị đều bị giết chết trong thảm họa diệt chủng năm 1994. Nhan đề các tiểu thuyết “nhìn lại Rwanda 94” của chị đã nói lên tất cả thảm kịch mà chị đang mang: “Cái chết không cần tôi”, “Những vết thương lặng im”… Hiện nay chị nhận ba đứa trẻ mồ côi làm con nuôi và xây dựng một ngôi nhà mới để chăm sóc hai mươi trẻ mồ côi khác. Tôi không nhìn thấy chị đâu cả sau buổi đọc tham luận. Chị biến đi đâu mất rồi. Chị phải vội vã về nước để chăm lo cái trại trẻ mồ côi? Hay chị không tin là mình có thể hòa hợp được với sức sống mạnh mẽ tươi đẹp của đất nước con người Hàn Quốc ngoài kia? Vì cái nhìn của chị đã mãi mãi gắn chặt với dĩ vãng, với biến cố 1994?

Có một cái nhìn khác cũng gắn chặt vào quá khứ, thậm chí xa hơn cái biến cố của chị Mukagasana đến năm mươi hai năm. Đó là cái nhìn của nhà văn Trung Quốc Lưu Chấn Vân, người đang gây ồn ào nơi quê nhà với tiểu thuyết “Điện thoại”. Hôm đó anh đọc bài tham luận tập trung mổ xẻ chính cuốn tiểu thuyết “Nhìn lại năm 1942” của mình. Năm 1942 tại tỉnh Hồ Nam quê anh, trong cuộc chiến tranh Hoa – Nhật, đã có ba triệu người chết đói. Anh đã về lại quê sưu tầm tài liệu lịch sử. Anh hỏi thăm bà nội anh:: “Bà có nhớ cái năm mà có rất nhiều người chết đói không?” Bà trả lời: “Có rất nhiều năm người ta chết đói. Cháu muốn nói năm nào?” Và khi đào sâu vào đống tư liệu, anh tìm thấy nhiều tình tiết khôi hài chứ không chỉ bi thảm của biến cố đó. Anh kết luận, nhờ nhìn lại năm 1942 mà anh hiểu rõ hơn về nước Trung Hoa và nhân loại.

Nhìn lại và nhìn rất thẳng thắn, rất minh triết vào những sự kiện lịch sử bi thảm hay bi tráng của dân tộc mình là một trong những mối quan tâm lớn của nhiều nhà văn tại Liên hoan Nhà văn Á Phi lần đầu này. Chị Lê Minh Khuê nằm trong số các nhà văn này. Trong tiểu luận của chị, cái chất nhân bản từ truyện ngắn xuất sắc “Những ngôi sao xa xôi”viết gần 40 năm trước được lý trí chưng cất thành những khám phá mới về giá trị vĩnh cửu của cuộc sống và con người.

Còn tôi, tôi đóng góp được gì cho cuộc gặp gỡ quốc tế này?

Sau khi tôi đọc bài viết “Chiều kích triết lý của nhân vật hư cấu”, giờ uống trà, vài người đến bắt tay tôi, tán đồng những luận điểm triết lý siêu hình của tôi. Đêm về, tôi mở máy vi tính, thấy email của nhà thơ “đói chữ kinh niên” Makarand kiêm giáo sư đại học Nehru, đang có mặt tại liên hoan và hình như hồi chiều có nói gì đó với tôi.

Ông gởi tôi thư mời tham dự liên hoan văn học tổ chức tại Đại học Nehru tháng 2 năm 2008. Tôi hiểu ra ngay “vấn đề”: Ấn Độ là cái nôi lớn của siêu hình học.

Sài Gòn, 27/12/2007

MAI SƠN

Bình luận về bài viết này

Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.