Kỷ niệm Ngày Nhà giáo VN 20-11: Để nghề giáo trở thành sự lựa chọn số một của lớp trẻ


Các thế hệ học trò Trường Đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức mừng sinh nhật tuổi 90 của GS-NGND Lê Trí Viễn.

Khôi phục vị trí, hình ảnh người thầy là việc làm cấp thiết hiện nay.

Cho đến tận bây giờ, khi nhắc đến những cái tên Nguyễn Lân, Tạ Quang Bửu, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Văn Hưởng, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Khánh Toàn, Dương Thiệu Tống… người ta không khỏi nghiêng mình kính phục. Đó là các nhà giáo mà nhân cách và tài năng sáng ngời, cao vợi. Từ họ, nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành, thành đạt, thành nhân. Họ được ví như những cỗ máy cái sản xuất ra những sản phẩm người- nguồn nhân lực xã hội.

Không thể có sâu trong vườn

Ông cha ta nói “lương sư hưng quốc”. Thầy giỏi thì có trò giỏi. Cơ đồ đất nước ngày mai phụ thuộc vào những thế hệ học trò ấy. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để những “cỗ máy cái” thời nào cũng có?

Hầu hết các nhà giáo hiện nay đã và đang ra sức dạy lớp trẻ nên người với trách nhiệm cao nhất. Tuy nhiên, một bộ phận giáo viên- số này rất ít- kém đức kém tài, đã gây ra những vết nhơ làm tai tiếng cho nghề giáo. “Con sâu làm rầu nồi canh”. Thực tế thời gian qua, một số hành động của họ đã thật sự gây sốc trong xã hội. Nhắc lại những việc họ làm càng thêm thẹn. Tại sao trong khu vườn đẹp của giáo dục lại để những con sâu to đùng này chui vào? Dứt khoát không thể để tồn tại hạng người ấy trong ngành giáo dục. Bởi, như nụ hoa, những đứa trẻ dễ bị tổn thương đến dường nào nếu để cho hạng người này chăm bón.

Trong cái nhìn xã hội, hai tiếng “nhà giáo” đã ít nhiều giảm đi giá trị vốn có của nó.

Làm thế nào để nghề giáo trở thành sự lựa chọn số một của thế hệ trẻ như cách đây nửa thế kỷ?

Nghề sáng tạo nhất

Ngày nay, các nhà khoa học sư phạm đều thống nhất rằng việc đào tạo người thấy bắt đầu từ đổi mới trường sư phạm. Với việc tuyển vào những người yêu nghề, có tâm, có thực tài và đào tạo bài bản là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho chất lượng về sau. Việc đưa ra chính sách thu hút người tài vào trường sư phạm, việc thiết kế chương trình đào tạo và các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ ấy thiết tưởng các nhà quản lý phải đặc biệt lưu tâm.

Có thầy giỏi rồi, bước tiếp theo là làm sao để thầy “móc hết ruột gan ra” truyền lại những kiến thức cho trò.

Dạy học là một nghệ thuật bởi vậy nó ít nhiều bị chi phối bởi nguồn cảm hứng. Có những hôm người thầy dạy như “lên đồng” quên cả thời gian, nhưng cũng có lúc người dạy cảm thấy “hụt hơi”. Vấn đề là làm sao giữ mãi nguồn cảm hứng ấy trong tái tim người thầy. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Nghề dạy học là nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”. Còn gì chán hơn khi mỗi ngày người thầy phải nhai lại những điều có trong sách giáo khoa với “bốn bước lên lớp” cứng ngắt. Thay vào đó, hãy ban hành một chương trình khung và khuyến khích người thầy sáng tạo trên chương trình khung ấy. Đó cũng là cách làm của hầu hết các nước. Người thầy thay vì thụ động đã có thể truyền thụ chủ động, thậm chí viết sách giáo khoa hpo63 biến kinh nghiệm sư phạm của mình.

Và cuối cùng, phải đảm bảo một mức lương để người thầy yên tâm dồn hết tâm lực của mình vào việc truyền thụ kiến thức. Trên các diễn đàn giáo dục và cả Quốc hội, chưa có vấn đề nào nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của xã hội như vấn đề này và được coi là quyết sách. Thế nhưng, buồn thay quyết sách ấy bao năm rồi vẫn nằm trong ngăn kéo.

Người thầy, một phương diện nào đó được xem là lương tâm của xã hội. Bởi vậy khôi phục vị trí, hình ảnh người thầy là việc làm cấp thiết hiện nay.

TỪ NGUYÊN THẠCH

    Năm 2010 sẽ tăng lương?

    Năm 2006, bà Trần Thị Tâm Đan lúc đó là Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, đã đề nghị tăng lương cho giáo viên, coi đây là một biện pháp khẩn để giữ và nâng chất lượng giáo dục. Trả lời đề nghị này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết bộ này đang triển khai đền án tăng lương cho giáo viên lên từ 1,5-2,5 lần so với hiện nay. Tin này làm nức lòng giáo viên. Phó Thủ tướng hé lộ đề án này nếu không có gì thay đổi sẽ áp dụng từ 2010.

    Bình luận về bài viết này

    Trang web này sử dụng Akismet để lọc thư rác. Tìm hiểu cách xử lý bình luận của bạn.